Đảo rác Thái Bình Dương vẫn đang tiếp tục gia tăng kích cỡ

Đảo rác Thái Bình Dương (Great Pacific Garbage Patch - GPGP), khối rác nổi khổng lồ trên biển Thái Bình Dương, đã gia tăng kích thước 16 lần so với ước tính trước đây.

Đây là kết quả của một nghiên cứu kéo dài 3 năm của một nhóm các nhà khoa học thuộc tổ chức The Ocean Cleanup được công bố trên tạp chí Scientific Reports cuối tháng 3 vừa qua.

Vị trí và mô hình mật độ khối lượng của Đảo rác Thái Bình Dương. Mật độ được dự đoán từ 0,01 đến 100 kg/ km2.
Nguồn: Lebreton và cộng sự (2018)

Được Tổng cục Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) mô tả lần đầu tiên năm 1988, đảo rác Thái Bình Dương là vùng tích tụ rác thải nhựa lớn nhất trên trái đất. Đảo nằm trôi nổi trên biển Thái Bình Dương, giữa Hawaii và California. Ước tính, có 1,8 nghìn tỉ mảnh nhựa với khối lượng it nhất 80,000 tấn đang trôi nổi trên một diện tích khoảng 1,6 triệu km2.

Từ 2015 đến 2018, một nhóm các nhà khoa học quốc tế thuộc Tổ chức The Ocean Cleanup, sáu trường đại học và một công ty hàng không đã thực hiện một nghiên cứu để phân tích quy mô của đảo rác Thái Bình Dương. Nhóm đã nỗ lực thực hiện việc thu mẫu một cách quy mô bằng cách sử dụng 30 tàu nghiên cứu để khảo sát trên biển cùng một lúc. Ngoài những thiết bị lấy mẫu bề mặt tiêu chuẩn, nhóm nghiên cứu còn có thiết bị chuyên dụng phục vụ cho việc lấy mẫu vật thể cỡ trung bình và lớn. Ngoài ra, để tăng diện tích bề mặt khảo sát và định lượng các mảnh nhựa lớn, máy bay C-130 Hercules được trang bị các bộ cảm biến tiên tiến đã được sử dụng để thu thập hình ảnh đa chiều và hình quét 3D của các loại rác. Tổng cộng, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 1,2 triệu mẫu vật nhựa và quét qua hơn 297,8 km2 bằng máy bay.

Kết quả nghiên cứu của nhóm chỉ ra rằng, đảo rác Thái Bình Dương có diện tích 1,6 triệu km2, gấp ba lần diện tích nước Pháp và có mật độ nhựa là hơn 10kg nhựa trên một km2. Số lượng mảnh nhựa tích tụ trong đảo rác là 1,8 nghìn tỉ mảnh, nặng ít nhất 80,000 tấn, tương đương với khối lượng của 500 máy bay phản lực cỡ lớn. 92% tổng khối lượng là cấu thành bởi các vật chất có kích thước lớn, khoảng 8% khối lượng còn lại là các loại vi nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm. Theo kết quả này thì khối lượng rác của đảo rác Thái Bình Dương đã tăng lên từ 4 cho đến 16 lần so với các kết quả nghiên cứu trước đây. Dựa trên các phân tích mẫu vi nhựa, các nhà nghiên cứu xác định rằng các mảnh nhựa ở đây đã tích lũy hàng thập kỉ. Một trong những mảnh nhựa được xác định là có nguồn gốc từ năm 1977, 7 mảnh từ những năm 1980 và 17 mảnh từ thập niên 90 của thế kỉ trước. Thậm chí, theo chủ nhiệm nhóm nghiên cứu Laurent Lebreton, có khoảng 10% đến 20% lượng rác thải nhựa là có nguồn gốc từ Nhật Bản sau trận sóng thần năm 2011. Cũng theo phân tích của nhóm, các nguồn rác thải chính là từ hoạt động đánh bắt cá (17.9%) và hàng hải (8.9%).

Bản đồ phân bố các nguồn rác thải nhựa của Đảo rác Thái Bình Dương.
Nguồn: Lebreton và cộng sự (2018)  

Nghiên cứu về đảo rác Thái Bình Dương cảnh báo sự nghiêm trọng và mức độ gia tăng nhanh chóng của ô nhiễm rác thải nhựa trên biển. Đây là một hồi chuông cảnh báo đến các tổ chức và các quốc gia trong việc thúc đẩy các nỗ lực làm sạch biển và ngăn chặn nguồn thải, đặc biệt là rác thải nhựa, ra biển. “Để có thể giải quyết một vấn đề, chúng tôi tin rằng việc cần thiết trước hết là hiểu rõ vấn đề đó”, trích lời Boyan Slat, đồng tác giả của nghiên cứu, nhà sáng lập của tổ chức The Ocean Cleanup.

Bùi Anh Tuấn

  • 10/23/2020 2:50:14 AM